1000 người mất 1 năm hồi sinh trường đấu Jerusalem cổ đại để tạo ra cảnh quay kinh điển này

Từ canh bạc của các ông chủ lớn cho đến kỳ tích trên màn ảnh vào thập niên 50.

Canh bạc của MGM

Vào thập niên 50 ở Mĩ, giá thành một chiếc TV trở nên rẻ hơn rất nhiều, đa phần các hộ gia đình đều chọn ở nhà và giải trí bằng các chương trình phong phú trên truyền hình. Điều này kéo theo sự khủng hoảng của các hãng phim. Bởi khán giả sẽ không bỏ tiền ra rạp nếu họ có được mọi thứ chỉ thông qua chiếc TV.

Hãng MGM đã có một quyết định liều lĩnh. Họ bỏ ra một số tiền khổng lồ thời đó, quyết tâm làm lại bộ phim Ben-Hur (1925) để cho ra một thiên sử thi hào hùng, buộc khán giả phải đến rạp chiêm ngưỡng.

Phim kể về nhà quý tộc Judah Ben-Hur ở Jerusalem. Anh bị vu oan và phải làm nô dịch cho quân đội La Mã, bị người em trai nuôi phản bội. Sau nhiều năm tha hương gian khổ, Judah trở về thách thức người em nhằm giành lại tự do cho bản thân cũng như mẹ và em gái. Em trai anh khi này là nhà vô địch đua xe ngựa, vì vậy trường đoạn đua xe ngựa trở thành cao trào của bộ phim. Ben-Hur không chỉ là câu chuyện trả thù của một cá nhân mà còn mang một ý nghĩa lớn hơn về giải phóng nô lệ dưới ách thống trị của Đế quốc La Mã.

1000 người mất 1 năm hồi sinh trường đấu Jerusalem cổ đại để tạo ra cảnh quay kinh điển này - 1

1000 người mất 1 năm hồi sinh trường đấu Jerusalem cổ đại để tạo ra cảnh quay kinh điển này - 2

Judah Ben-Hur và người em Messala trong Ben-Hur 1959.

Số vốn đầu tư ấn định ban đầu là 7 triệu đô, nhưng nó nhanh chóng bị đội lên 10 triệu đô trong quá trình chuẩn bị. Và khi bộ phim bắt đầu bấm máy vào tháng 5/1958, vốn bỏ ra đã lên tới 15 triệu đô. Ben-Hur trở thành bộ phim đắt đỏ nhất vào thời điểm đó, ngay khi còn chưa hoàn tất.

Bộ phim trở thành một trò chơi mang tính sống còn mà nếu mất, hãng MGM sẽ mất tất cả, chắc chắn phá sản và rơi vào nợ nần chồng chất. Một lý do khiến MGM kiên trì tới cùng vì họ được truyền cảm hứng từ thành công của Paramount Pictures từ Mười điều răn (The Ten Commandments – 1956), với số vốn 13 triệu đô.

Người ta ước tính tổng số vốn được đầu tư cho thiên sử thi này vào khoảng 140 triệu đô theo giá trị hiện nay.

Hồi sinh trường đấu Jerusalem và những kỷ lục

Quá trình chuẩn bị cho bộ phim mất tới sáu năm, từ 1953 – khi MGM bắt đầu xây dựng kịch bản, cho tới khi ra rạp vào 1959. Bộ phim quay tại Ý, có tất cả 300 bối cảnh được dựng nên, bao phủ một khu đất rộng 1,4 km². Trong đó trường đua ngựa là bối cảnh hoành tráng nhất với vô số kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

1000 công nhân đã làm việc miệt mài suốt hơn một năm, đục đẽo chạm khắc một mỏ đá tại Ý để tạo nên trường đấu hình bầu dục, phỏng theo mô hình trường đấu Maximus ở Jerusalem. Bề ngang của trường đấu lên tới 610 m, diện tích gần 73.000 m². Hơn 18 tấn gỗ và 400 km ống kim loại đã được sử dụng để dựng nên các khán đài. 36.000 tấn cát được vận chuyển tới từ các bờ biển Địa Trung Hải để trải trên đường đua.

1000 người mất 1 năm hồi sinh trường đấu Jerusalem cổ đại để tạo ra cảnh quay kinh điển này - 3

Vô số công sức và tiền bạc đã được bỏ ra để có cảnh đua ngựa kịch tính này trên màn ảnh vào thập niên 50.

Riêng việc chuẩn bị ngựa đua cũng mất tới gần 1 năm. 78 con ngựa đua được mua từ các nơi trên nước Ý. Ngoài các chuyên gia đua ngựa từ Hollywood, 20 người chăn ngựa được thuê trong quá trình làm phim chỉ để đảm bảo những con ngựa này khỏe mạnh và chạy mỗi ngày.

Công sức của đoàn làm phim cuối cùng đã được đáp trả xứng đáng. Không chỉ trường đoạn đua ngựa trở thành kinh điển, Ben-Hur (1959) là một trong những phim thành công nhất mọi thời đại cả về nghệ thuật lẫn doanh thu. Bộ phim dài 212 phút này đã cứu MGM khỏi phá sản, thu về 147 triệu đô từ 15,4 triệu đô đầu tư. Phim cũng đoạt tới 11 giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Cho đến nay, chỉ có Titanic và Chúa Nhẫn 3: Sự trở lại của Nhà Vua (The Lord of the Rings : The Return of the King) cũng giành được 11 giải Oscar như vậy.

Related Posts