Những “cú sốc” của sinh viên mới ra trường

Trang chủ

Bạn trẻ – Cuộc sống

Thứ Năm, ngày 28/07/2022 11:00 AM (GMT+7)

Sự kiện:
Giới trẻ 2022

Chia sẻ


Tốt nghiệp đại học- khoảnh khắc mong chờ và bước ngoặt cuộc đời của hầu hết sinh viên Việt Nam. Bước qua ngưỡng cửa ấy, các bạn trẻ háo hức đón chờ những cơ hội mới và cũng sẵn sàng đối mặt với nhiều thử thách mới.

Loay hoay tìm việc phù hợp với năng lực

Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn trẻ nào cũng mong muốn mình tìm được một công việc tốt, phù hợp với yêu cầu và năng lực của bản thân. Bạn Trần Thanh Ngân – Tân cử nhân ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng mang trong mình những mong mỏi đó. Với tấm bằng Giỏi cùng rất nhiều thành tích đáng khen như giải Ba cuộc thi Phiên tòa giả định (Cerca Trova- Mock Trial); giải Khuyến khích cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp trường và rất nhiều các học bổng khác, Thanh Ngân hoàn toàn có thể tự tin bản thân sẽ tìm được công việc mình thích và xứng đáng với khả năng. Tuy nhiên, cô bạn lại đang gặp phải nhiều khó khăn nhất định trong việc lựa chọn môi trường làm việc phù hợp nhất.

Những "cú sốc" của sinh viên mới ra trường - 1

Trần Thanh Ngân – Tân cử nhân ngành Luật với tấm bằng Giỏi của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Thanh Ngân chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất với một sinh viên ngành luật mới ra trường như mình có lẽ chính là “yêu cầu kinh nghiệm” mà phần lớn các nhà tuyển dụng đặt ra. Với riêng ngành luật, mình e ngại việc làm thực tập sinh không lương hoặc chấp nhận mức trợ cấp rất ít ỏi dẫn đến việc mau nản chí, khó kiên trì để làm nghề dù biết rằng nghề luật càng làm lâu năm thì lương càng cao. Hơn nữa, để ứng tuyển vào những vị trí như nhân viên pháp lý, trợ lý luật sư,… nhà tuyển dụng yêu cầu phải có 1-2 năm kinh nghiệm, với một sinh viên mới ra trường như mình thì không thể đáp ứng được”.

Những "cú sốc" của sinh viên mới ra trường - 2

Cô bạn đang gặp phải nhiều khó khăn nhất định trong việc lựa chọn môi trường làm việc phù hợp nhất.

Thanh Ngân hy vọng các nhà tuyển dụng ngành luật sẽ có cái nhìn khác về sinh viên mới ra trường để cơ hội với các cử nhân luật rộng mở hơn, dù còn non nớt nhưng họ sẽ là một nguồn nhân lực trẻ, nhiệt huyết với công việc.

Làm trái ngành “cái được cái mất”

Quân Quốc Hưng – Chàng trai gốc Tuyên Quang vừa tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tâm sự: “Mặc dù tốt nghiệp cử nhân ngành Quản lý nguồn nhân lực nhưng hiện tại mình lại đang làm công việc của một tư vấn viên bảo hiểm và startup thời trang. Mặc dù công việc này khiến mình hài lòng vì mang lại thu nhập cao nhưng mình cũng lăn tăn vì đây không phải là công việc phù hợp với chuyên ngành mình đã được đào tạo ở đại học, đó cũng là một điều mình khá tiếc!”

Những "cú sốc" của sinh viên mới ra trường - 3

Quân Quốc Hưng – Chàng trai gốc Tuyên Quang vừa tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Những "cú sốc" của sinh viên mới ra trường - 4

Quốc Hưng hiện đang làm công việc của một tư vấn viên bảo hiểm và startup thời trang.

Bên cạnh đó, công việc hiện tại cũng khiến Quốc Hưng gặp nhiều áp lực và khó khăn nhất định vì luôn trong trạng thái phải chủ động tìm kiếm và thuyết phục khách hàng. Nhiều khách hàng có cái nhìn không được tốt đối với ngành bảo hiểm nên anh chàng đã mất rất nhiều công sức thời gian để tư vấn.

Cũng đang làm trong lĩnh vực bảo hiểm giống như Quốc Hưng, cô bạn Linh Chi – Cử nhân ngành Kế toán Doanh nghiệp, Học viện Tài chính lại có những “cú sốc” rất tích cực sau khi ra trường.

Những "cú sốc" của sinh viên mới ra trường - 5

Linh Chi – Cử nhân ngành Kế toán Doanh nghiệp, Học viện Tài chính.

Linh Chi tâm sự: “Điều khiến mình bất ngờ nhất sau khi tốt nghiệp là bản thân đã may mắn tìm được công ty Nest by AIA, một nơi làm việc mở chuyên nghiệp, môi trường bảo hiểm trẻ trung, năng động. Đặc biệt, mình cực “sốc” vì mức lương ở đây khá cao và chế độ đãi ngộ tốt. Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với những áp lực doanh số và công sức mà mình bỏ ra là rất nhiều.”

Bên cạnh đó, Linh Chi cho biết ngành bảo hiểm có liên quan đến ngành cô nàng đang theo học, cũng mang tính chất của kinh tế, dù không áp dụng quá nhiều nhưng vẫn vận dụng những tư duy tính toán.

Lâu dài hay ngắn hạn?

Đối với Thái Văn Nam (Cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đông Á), đại học là một khoảng thời gian thật sự rất quý giá, là cả một hành trình dài giúp anh chàng hoàn thiện bản thân toàn diện hơn.

Những "cú sốc" của sinh viên mới ra trường - 6

Thái Văn Nam – Cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đông Á.

Mặc dù, sau khi tốt nghiệp đại học Văn Nam vẫn có thể tiếp tục phát triển công việc yêu thích và cơ hội việc làm cũng rộng mở hơn nhưng anh chàng vẫn không thể tránh khỏi tâm lí về định hướng cho tương lai hay phát triển lĩnh vực mình theo đuổi, lựa chọn một công việc lâu dài có tính ổn định hay công việc ngắn hạn để trải nghiệm. Một chút hoang mang, lắng đọng suy nghĩ của Văn Nam khi cánh cửa đại học vừa khép lại.

Những "cú sốc" của sinh viên mới ra trường - 7

Đại học là một khoảng thời gian thật sự rất quý giá, là cả một hành trình dài giúp Văn Nam hoàn thiện bản thân toàn diện hơn.

Có lẽ, khoảng thời gian sau tốt nghiệp là thời điểm có nhiều khó khăn, chênh vênh trước những cơ hội và lựa chọn của các cử nhân. Tuy nhiên, cần có những điều như vậy để bản thân mỗi người trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn trên hành trình gian khó. Chúc các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học sẽ “chân cứng đá mềm”, vững tâm và sáng suốt với những lựa chọn, quyết định của chính mình!

Related Posts