9X ‘Tiên Quýt’ từ chối cơ hội làm việc ở trời Tây, về quê làm nông dân, mỗi năm thu tiền tỷ


Tốt nghiệp trường ĐH Amsterdam (Hà Lan), Lâm Thị Mỹ Tiên nhận được nhiều cơ hội công việc với mức thu nhập cao. Nhưng cô gái 9X quyết định về quê nối nghiệp ông nội trồng cam, quýt… mỗi năm thu 2 – 3 tỷ đồng.

Lâm Thị Mỹ Tiên sinh năm 1998, hiện đang sống tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Vùng đất này phần lớn người dân sống bằng nghề trồng cây ăn quả có múi và gia đình Tiên cũng vậy.

Sáng sớm, Tiên ra vườn để tuyển trái, treo cành, hái quýt… Những chiếc giỏ nhựa đựng đầy quýt, cam chín mọng đã thu hoạch như một món quà dành tặng cho cô gái trẻ sau một ngày dài làm việc trên nông trại.

9X 'Tiên Quýt' từ chối cơ hội làm việc ở trời Tây, về quê làm nông dân, mỗi năm thu tiền tỷ - 1

Nghề trồng cam, quýt có từ đời ông nội, đến Tiên là đời thứ ba tiếp tục theo nghề, cái nghề mà Tiên hay bông đùa: “Trái cam, trái quýt đưa mình đi đến nhiều nơi trên thế giới. Từ năm lớp 10, mình đã được ông nội vạch hướng làm nông nghiệp, nhưng không chịu. Ông nói, học xong THPT, ông nội trồng cam quýt, con về mở đại lý phân bón, vật tư nông nghiệp. Thời điểm đó, mình chưa có đam mê nông nghiệp hay nông sản gì cả”.

Bốn năm trước, vào năm 2018, Tiên thực tập tại công ty SkyTeam Airline Alliance, có cơ hội trải nghiệm học tập trở thành tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, cuối năm 2019, Tiên vừa tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh của trường ĐH Amsterdam (Hà Lan) đã cất tấm bằng để trở về Việt Nam nối nghiệp nghề trồng cam, quýt từ gia đình.

9X 'Tiên Quýt' từ chối cơ hội làm việc ở trời Tây, về quê làm nông dân, mỗi năm thu tiền tỷ - 2

Tiên có thời gian du học tại trường ĐH Amsterdam (Hà Lan).

Quyết định này của Tiên khiến không ít bạn bè và người quen ngạc nhiên. Lúc về nước, nhiều người hoài nghi về cô nàng. Họ hàng thì suy diễn rằng, gia đình đổ tiền cho nó đi ăn học, giờ về làm nông. Tiên “có vấn đề gì đó” nên mới quay về… Tiên nghĩ, việc cố gắng giải thích khó lòng thuyết phục mọi người tin tưởng định hướng của mình.

Thời điểm du học nước ngoài, Tiên cũng có dịp đến tham quan hòn đảo Positano (Ý). Tại đây, Tiên bất ngờ vì mọi không gian, cửa hàng, quán xá đều xuất hiện các sản phẩm, thức ăn, đồ uống, các biểu tượng liên quan đến trái chanh vàng. “Mình thắc mắc thì được người dân bản địa giải thích: Đây là vùng đất trồng chanh vàng từ xưa đến nay, mọi người tận dụng quả chanh vàng để quảng bá du lịch. Người dân tự hào và trân quý những gì thiên nhiên ban tặng”, Tiên kể.

9X 'Tiên Quýt' từ chối cơ hội làm việc ở trời Tây, về quê làm nông dân, mỗi năm thu tiền tỷ - 3

Trở về nước, điều mà Tiên mang về không phải là nông nghiệp công nghệ cao hay cách vận hành một nông trại, mà chính là tinh thần học hỏi, sự kết nối và tôi luyện. Tiên dành 2 năm trải nghiệm tất cả công việc của người nông dân thực thụ. “Ban đầu, mình chưa thích nghi với việc làm nông. Thời tiết nắng nóng, bán mặt cho đất. Tay chân lúc nào cũng lấm lem, mình làm việc từ 7h sáng đến tận 8h – 9h tối. Việc ăn uống cũng thất thường. Nhưng mình cứ lạc quan trải nghiệm, tin chắc rằng, gia đình luôn đồng hành hỗ trợ để cùng nhau đưa nông sản cam, quýt đạt chất lượng, xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước”, Tiên nói.

Cô gái trẻ học cách trồng cây giống, bón phân, nhận biết từng đặc điểm của mỗi loại cam, quýt… Cô muốn thật sự hiểu người nông dân đang làm những gì, gặp khó khăn ở bước nào để có thể giải quyết vấn đề một cách tận gốc.

9X 'Tiên Quýt' từ chối cơ hội làm việc ở trời Tây, về quê làm nông dân, mỗi năm thu tiền tỷ - 4

Qua hai năm trực tiếp trồng và bán cam, quýt, Tiên đã tham gia hội chợ ở nhiều nơi trên toàn quốc. Cô nhận thấy, hiện trái cam, trái quýt quê mình đang gặp hai vấn đề lớn. Thứ nhất, thị trường cam, quýt Hiếu Liêm còn phụ thuộc vào thị trường miền Đông và Hà Nội. Thứ hai, mình chỉ dừng lại ở mức bán tươi, chưa có sản phẩm chế biến sau thu hoạch. Do đó, cam, quýt của mình thường xuyên bị ép giá, không đạt được giá trị kinh tế tối đa.

Từ những chuyến đi sang Thái Lan, Nhật Bản… học hỏi kinh nghiệm, Tiên bắt đầu thực hiện thí điểm trên 10 hecta trồng cam, quýt. Cô còn xây dựng một thương hiệu riêng cùng kênh TikTok với hơn 21K lượt theo dõi, kể câu chuyện hành trình người nông dân trồng trọt ra trái cam, trái quýt. Người tiêu dùng sẽ hiểu hơn về các loại nông sản, chẳng hạn phân biệt cam xoàn và cam V2, điểm khác biệt giữa cam sành Việt Nam và nhập khẩu…

Từ một du học sinh, giờ đây, cô nàng 9X tự chạy xe gắn máy qua các con dốc ngoằn ngoèo đất đỏ, sỏi đá để thăm vườn. Cô cùng làm việc, trò chuyện với các cô chú nông dân. Hai thế hệ khác nhau, nhưng lại cùng nói chung chủ đề, cùng chung tay vun vén từng gốc cam, gốc quýt.

Việc từ bỏ cơ hội công việc ở trời Tây, làm nông dân là điều mà Tiên cảm thấy không hề dễ dàng. Có lúc, mình cũng chạnh lòng nhưng không hối hận với quyết định này. Mình hiểu được nỗi khổ cực, trăn trở của người nông dân. Mình trân quý và tự hào về công việc hiện tại. Điều mà mình học được từ ông bà nội rằng, Tiên may mắn hơn người khác, không đồng nghĩa, Tiên cao sang hơn còn người khác thấp hèn. Chỉ đơn giản, bạn có nhiều hơn thì nhiệm vụ chia sẻ, học hỏi càng lớn hơn”, Tiên bày tỏ.

Hiện tại, niềm vui lớn nhất của Tiên là đọc phản hồi của khách hàng về sản phẩm, tìm phương pháp trồng trọt theo hướng bền vững. Doanh thu của ‘cô nàng’ cũng dao động khoảng 2 – 3 tỷ đồng/năm.

9X 'Tiên Quýt' từ chối cơ hội làm việc ở trời Tây, về quê làm nông dân, mỗi năm thu tiền tỷ - 5

Nói về dự định tương lai, Tiên cho biết: “Mình đang nghiên cứu những sản phẩm chế biến từ quả cam, quýt.. nhằm giúp tăng giá trị sản phẩm. Hơn hết, mình muốn mọi người cảm thấy nông sản Việt Nam rất ngon, người nông dân rất quyết tâm, từ đó, góp phần thay đổi nhỏ về bài toán được mùa mất giá”.

Related Posts